‘Người dân tộc không bị đàn áp’

BBCVietnamese.com

05 Tháng 2 2007 – Cập nhật 22h00 GMT

Phụ tá ngoại trưởng Mỹ đặc trách dân số, tị nạn và di trú, bà Ellen Sauerbrey nói người dân tộc trốn qua Campuchia rồi trở về không thấy bị trừng phạt.

Bà Sauerbrey cho biết bà đã nói chuyện riêng với bảy dân làng do bà chọn một cách ngẫu nhiên.

Các tổ chức nhân quyền và các nhóm người dân tộc lâu nay vẫn cáo giác họ bị đàn áp, bị cấm theo đạo Tin Lành, cũng như bị lấy đất.

Tháng 4 năm 2004, đông đảo lực lượng an ninh phải được huy động để dẹp tan các cuộc biểu tình chống đối của người dân tộc trên Tây Nguyên.

Đã xảy ra xô xát và nhà chức trách nói có hai người bị thiệt mạng, trong khi Human Rights Watch nói có ít nhất 10 người chết.

Khoảng 2.000 người dân tộc đã bỏ trốn qua Campuchia từ năm 2001và làn sóng này tuy có giảm nhiều nhưng thỉnh thoảng vẫn có.

Việt Nam cam kết không trừng phạt những người hồi hương hay phân biệt đối xử với họ nhưng Human Rights Watch tố cáo nhà chức trách đã bắt giữ và đôi khi tra tấn những người này.

Tiến triển

“Chúng tôi đã đạt được nhiều tiến triển trong vấn đề nhạy cảm này. Tôi phải khen ngợi chính phủ Việt Nam vì họ tôn trọng hơn quyền tự do tín ngưỡng của người dân,” bà Sauerbrey nói.

Tháng 1 năm 2005, Việt Nam, Campuchia và Cao ủy Tị nạn Liên hiệp quốc, UNHCR, ký thỏa thuận tìm giải pháp cho những người dân tộc bỏ đi vì lý do kinh tế hay tôn giáo nay muốn hồi hương hoặc sang định cư tại một nước thứ ba.

Bà Sauerbrey cho biết khoảng phân nửa số người trở về Việt Nam là tự nguyện.

Tháng 4 năm 2006, một quan chức Liên hiệp quốc sau khi viếng thăm Việt Nam đã xác nhận chính phủ thực thi thỏa thuận.

Bà Sauerbrey kêu gọi chính phủ và các nhà hoạt động hãy giúp ngăn chặn làn sóng tị nạn bằng cách tạo điều kiện để người dân tộc trên vùng Tây Nguyên có một đời sống đàng hoàng.

Bà Sauerbrey đơn cử một số việc cần làm như trường học thiếu thốn, cảnh nghèo và tình trạng kém phát triển.

Chính phủ Việt Nam nói họ đang xem lại chính sách sở hữu đất đai, tạo công ăn việc làm, và phát triển vùng sâu vùng xa.

Published in: on February 6, 2007 at 9:49 am  Leave a Comment  

Giải thưởng nhân quyền cho tám nhà đối kháng

BBCVietnamese.com

06 Tháng 2 2007 – Cập nhật 04h53 GMT

06/02, bà Sophie Richardson, Giám đốc Vụ Châu Á của Human Rights Watch (HRW), nói “Đây là năm đặc biệt để vinh danh những ngòi bút dũng cảm tại Việt Nam. Phong trào dân chủ đang lớn mạnh tại Việt Nam ngày càng trở nên mạnh dạn hơn với sự lên tiếng và xuất hiện công khai khiến cho họ trở thành mục tiêu đàn áp”.

Bà Richardson nói: “Bằng cách vinh danh những nhà bất đồng chính kiến, chúng tôi hy vọng tạo sự quan tâm của quốc tế đối với những con người dũng cảm đang bị nhà nước Việt Nam tìm đủ mọi cách để bịt miệng họ”.

Giải thưởng Hellman/Hammett được HRW dành cho những người cầm bút đang là đối tượng của những vụ đàn áp chính trị.

Trong số những người nhận giải năm nay có tù nhân chính trị Nguyễn Vũ Bình, nhà hoạt động dân chủ Đỗ Nam Hải, hai nhà văn Nguyễn Chính Kết và Trần Khải Thanh Thủy.

Luật sư chuyên về nhân quyền Nguyễn Văn Đài, luật sư Lê Chí Quang, và hai nhà hoạt động dân chủ lâu năm là Phạm Quế Dương và Nguyễn Khắc Toàn cũng nằm trong danh sách những người mà HRW tuyên bố trao giải.

Bà Richardson nói về những người được giải như sau : “Những tác phẩm và cuộc sống của những người cầm bút này cụ thể hóa những gì nhà cầm quyền Việt Nam muốn che đậy, đó là tình trạng tại Việt Nam không có tự do ngôn luận, không có truyền thông độc lập và mạng lưới Internet thì bị kiểm soát chặt chẽ.”

“Những ai nghĩ rằng nền kinh tế phát triển của Việt Nam đồng nghĩa với sự thả lỏng về chính trị cần phải quan sát kỹ hơn, vì hoàn cảnh khó khăn của nhũng người cầm bút là những bằng chứng rõ nhất.”

APEC “thành công”

Thông cáo báo chí cũng nói một số nhà đối kháng đã bị cấm đi lại trong dịp Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) diễn ra tại Hà Nội vào tháng 11 năm 2006.

Thông cáo nói: “Những nhà đối kháng đã bị khóa cổng giam giữ tại nhà với lệnh cấm không được rời khỏi nhà hoặc tiếp khách”.

Đây là nỗ lực bị HRW cáo buộc là “nhằm bịt miệng những nhà đối kháng, bất kể sự hiện diện đông đảo của truyền thông quốc tế tại Hà Nội trong dịp APEC”.

“Công an đã canh gác trước nhà với những bảng cấm như “khu vực cấm” và “cấm người ngoại quốc” để cản trở bất cứ sự tiếp xúc với truyền thông quốc tế”.

“Một nhà bất đồng chính kiến đã bị khóa cửa nhốt trong nhà và ông đã bị hành hung thô bạo khi có khách đến thăm”.

“Nhiều quốc gia đã làm ngơ trước những cuộc đàn áp đối với những nhà đối kháng trong dịp APEC khiến nhà nước Việt Nam cảm thấy họ được bật đèn xanh để tiếp tục đàn áp.”

Published in: on February 6, 2007 at 9:47 am  Leave a Comment